Rss Feed
  1. Charles Simic - Những cuốn sách đã mất

    Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014


    Bài viết ngắn này của Charles Simic này tôi đọc từ năm ngoái, nhưng phải đến cách đây mấy hôm tôi mới có ý định dịch nó. Ấy là khi tôi đọc những dòng chia sẻ về chuyện mua sách cũ. Chui vào một nhà sách cũ và lục lọi trong đó luôn là một niềm hứng khởi với tôi. Các hiệu sách cũ bao giờ cũng là một cõi bí ẩn, ngoại trừ những người chủ quán với nét mặt luôn đăm đăm và bao giờ cũng hét đúng giá. Chúng hơi tối tăm, bụi bặm, có mùi ẩm mốc, ánh sáng thì nhờ nhờ do sách đã xếp kín chật các lối đi. Nhưng đặc biệt nhất, đấy là ta chẳng thể nào biết tường tận hiệu sách đó có những gì. Đấy là cái ta không tìm thấy được khi đi trong các hiệu sách lớn với đèn đóm sáng trưng và sách vở được xếp gọn gàng theo từng loại mà chỉ đi 2 vòng là có thể nắm hết được ở đây có gì, và ghi vào đầu quyền nào cần mua vì sắp hết hàng, quyển nào mới ra nên chờ giảm giá, quyển nào nghe có vẻ thú vị nhưng chưa kịp ngó qua nên cứ để đấy đã. Trong các hiệu sách cũ, mọi thứ diễn ra ngược lại. Dù đi bao nhiêu lần thì góc nọ góc kia vẫn còn những cuốn sách mình chưa hề ngó qua, vẫn còn những cuốn sách xếp ở quá cao không thể nhìn thấy hoặc nhét ở quá sâu không thể lôi ra. Không thể biết mình có thể tìm thấy gì trong một hiệu sách cũ. Thiếu đi những cái không biết  thì đời chắc sẽ buồn lắm

    Bây giờ những hiệu sách cũ không còn nhiều nữa. Cơ may tìm thấy gì đó giá trị (và rẻ) cũng bớt đi. Tuy vậy, những lúc mệt mỏi hay chán nản hay tức giận với bản thân hay chỉ đơn giản là thấy đời này như cứt, tôi lại lê la ra một hai hàng sách cũ. Khoảnh khắc lóe sáng khi nhìn thấy một cái tựa sách cần tìm nào đấy thấp thoáng cũng đủ cứu vớt những ngày mệt mỏi, những ngày mà tôi tệ bạc với chính tôi. Đôi khi tôi trở về tay không. Không phải chuyến phiêu lưu nào cũng dẫn đến kho báu. Nhưng chỉ vì thế mà không phiêu lưu thì buồn lắm. 

     ***

    Ngày nay, những tiệm sách cũ đang biến mất với nhịp độ nhanh hơn cả những tiệm sách thông thường. Cho tới độ mười năm trước, vẫn có kha khá những tiệm sách cũ như vậy ở mọi thành phố và cả trong những thị trấn nhỏ hơn, bán cho những khách mê sách quen thuộc ghé qua khi họ cần tìm vài cuốn sách hiếm hay đã ngừng in, hay chỉ đơn giản là để giết thời gian. Ngay cả trong những ngày vàng son của sách cũ, tôi vẫn thắc mắc hoài không hiểu những chủ tiệm đó kiếm sống bằng cách nào, bởi đã thành đặc trưng là những người khách hiếm hoi của họ chẳng mua gì, hoặc chỉ mua rất ít, và khi họ mua thì hóa đơn chẳng bao giờ quá vài dollar. Nhiều năm trước, trong một hiệu ở New York chuyên về sách Giả kim, Tôn giáo phương Đông, Thần trí, Ma thuật và Bùa phép, tôi còn nhớ đã tình cờ vớ được một cuốn sách có tên Làm thế nào để trở thành vô hình và nhận ra nó là món quà sinh nhật hoàn hảo cho một người bạn đang lẩn trốn một công ty truy thu nợ để tránh bị tịch biên chiếc ô tô. Cuốn sách giá 15 cents, so với nội dung thì hời quá mức qui định.
    Thứ khiến cho những hiệu sách đầy ngập sách vở của những người đã chết này trở nên quyến rũ với những người như tôi chính là việc chúng luôn bừa bãi và hỗn loạn hơn các thư viện công cộng và vì thế, việc tìm kiếm giống như một cuộc phiêu lưu. Giữa những giá sách ken đặc, tâm trí ta bị đánh động bởi cái tên hay bìa của một cuốn sách. Sau đấy là cảm giác hồi hộp khi mở nó ra, lật qua phần mục lục, và nếu nó hấp dẫn thật, ta giở sang các trang, đọc mỗi chỗ một ít và để mắt tìm các đoạn có dấu gạch chân, những ghi chú ở bên lề. Hân hoan biết mấy khi ta đọc được lời bình luận của một độc giả vô danh về bài thơ tình thời Victoria: “Vãi cứt”, hay tình cờ gặp lời đề tặng này trong ấn bản tuyệt đẹp của một tác phẩm kinh điển:
    Tặng con gái của cha
    hãy coi cái đẹp, tình người và sự thông thái
    là mục đích suốt cuộc đời con; và trong mọi hoàn cảnh
    con sẽ biết mình cần phải làm gì. Những nỗ lực của con
    sẽ được đáp đền bằng hạnh phúc
    Ta có thể để cuốn sách trở lại giá, hoặc tiếp tục mân mê nó và trì hoãn giây phút giằng xé giữa mua và không. Tất nhiên, bao giờ cũng có những cuốn sách nhảm nhí khiến ta không thể cầm lòng, như cuốn tự thuật của Rudolph Valentino, một bộ phim câm thổn thức tôi mua vào mùa thu năm ngoài; cuốn sách tự quảng cáo là một sự thật đầy xúc động và chưa từng được xuất bản về vị thần tình dục nóng bỏng nhất trong thời đại chúng ta, và hứa hẹn cho tôi biết lý do tại sao bà vợ đầu tiên lại bỏ đi ngay lúc tinh mơ sau đêm tân hôn.
    Tuy nhiên, đôi khi cũng có những quyển sách mà khi đã bắt đầu đọc thì tôi không thể bỏ xuống. Chẳng hạn, đây là đoạn mở đầu của một cuốn có tên Business be Damned – không phải là một cái tựa hứa hẹn cho lắm – bởi tác giả nào đó tên là Elijah Jordan, được Henry Schuman xuất bản năm 1952 ở New York và vào một ngày đẹp giời nào đó được tặng lại cho thư viện trường đại học Southwestern ở Georgetown, Texas bởi chủ cũ của nó, Dr. Joe Colwell, và rồi bị loại khỏi bộ sưu tập của thư viện:
    Luôn có các thương nhân và hoạt động kinh doanh khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, trong lịch sử từ trước đến nay chưa bao giờ kinh doanh lại được chấp nhận như là một hoạt động cao quý về mặt đạo đức và vì con người; chưa bao giờ thương nhân được phép vượt trội những thứ khác trong đời sống nhân loại. Ngày nay, nguyên tắc của thương nhân, được chấp thuận, được biện hộ và được ngợi ca, đã trở nên vững chắc và không thể bác bỏ
    Tuy nhiên, cho tới gần đây, hoạt động của các thương nhân cũng như tính chính đáng đạo đức của nó vẫn luôn bị chất vấn. Công thức của nỗi hoài nghi này là tiền đề phủ định hay phê phán mà dựa vào đó mọi hệ thống đạo đức và mọi hệ thống giáo lý được thiết lập. Bởi vậy, điều mới mẻ ở trong cái được gọi là nền văn minh hiện đại, chính là sự chấp nhận tính chất cao quý về mặt đạo đức của hoạt động kinh doanh, sự tán thành năng lực và đặc tính của thương nhân, cùng giả định rằng những năng lực đó hòa hợp với quy tắc và quyền hành của con người
    Tôi tự nhủ cuốn sách này thật đặc biệt. Jordan (1875-1953), một giáo sư triết học ở Đại học Butler trong suốt nhiều năm, đã thấy một tương lai không thể tránh khỏi, rằng kinh doanh trở thành tác nhân thống trị trong đời sống của chúng ta, và mọi mối bận tâm của con người trong đất nước này phải quỵ lụy trước nó. Tôn giáo, chính trị, chính phủ, đạo đức, nghệ thuật, tất cả đều bị buộc phải thừa nhận ở nó lẽ phải tuyệt đối cũng như quyền lực tuyệt đối của kẻ phán quyết cuối cùng
    Nếu Jordan sống lại ngày hôm này, ông sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những người bạn Mỹ của ông vẫn chưa nhận ra rằng mình đang bị đánh bẫy. Trái lại, ngày nay rất nhiều người tin rằng giải pháp cho mọi vấn đề của chúng ta, là các trường học bạc nhược hay dịch vụ sức khỏe cắt cổ, chính là từ bỏ mọi cơ quan cộng đồng để dành chỗ cho các công ty tư nhân mưu cầu lợi nhuận mà nhờ thủ thuật của mình cùng sự huyền nhiệm của thị trường tự do, họ đã tiết kiệm được cả tấn tiền cho các công dân. Đây chính là cái mà ngày nay ta vẫn gọi là “quá trình tư hữu hóa”, cái mưu đồ tạo ra mọi thứ từ nhà tù tư nhân, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống giám sát và sự hiện diện quân sự trên toàn cầu như là một hệ thống kinh doanh với lợi nhuận khổng lồ. Những kẻ bỏ phiếu, buộc phải đồng lõa, đã thôi không đặt vấn đề những khối tài sản bất chính và hệ quả là, nhiều người trong số họ thậm chí còn lún sâu vào nợ nần để gửi con cái mình vào các ngôi trường kinh doanh tiếng tăm để chúng có thể làm việc cho những kẻ hám lời và coi đó là gương thành công
    Sau khi những hiệu sách cũ và những thư viện biến mất, còn cơ hội nào cho ai đó tình cờ gặp được một cuốn sách như cuốn của Jordan? Tôi tin rằng có nhiều người khác nữa như Jordan – những người hầu như vô danh. Ông và những người trung thực ấy không phải là những người để lại dấu ấn lên thế hệ của mình hay những thế hệ người Mỹ sau này, những kẻ ưa nghe những truyện cổ tích về chúng ta như là nỗi thèm muốn của mọi tạo vật, là một quốc gia độc nhất vô nhị, một đất nước của vô hạn tiềm năng và cơ hội, cái gì cũng xuất sắc, hơn là nghe những kẻ thất bại nói cho họ điều gì đó khác. Hẳn rồi, những cuốn sách trung thực phải hứng kiếp lụi tàn theo năm tháng. Số phận của những cây bút bị quên lãng ấy là một lời nhắc buồn rằng điều đó cũng sẽ đến với rất nhiều tác phẩm quan trọng khác của triết học, lịch sử, hư cấu, thơ và mọi cuốn sách khác đang phủ bụi trên giá. Chừng nào chúng còn ở đó, vài kẻ với thú vui lục lọi với dư dả thời gian sẽ có cơ hội tìm ra một cụm từ, một đoạn mô tả hay vài câu chuyện nho nhỏ ở một trong số chúng, và chỉ chừng đó thôi đủ khiến đời họ thêm phong phú và tâm hồn họ thêm chút trong lành

    Đức Anh dịch

  2. 1 nhận xét:

    1. littleprince nói...

      Đúng cõi lòng của những kẻ thích thẩn thơ ở hiệu sách cũ, trong đó luôn có object petit a (agalma) của Lacan nên hấp dẫn lắm.

    Đăng nhận xét

Cùng đọc, nghe, xem và nghĩ

Cùng đọc, nghe, xem và nghĩ