Rss Feed


  1. Tháng trước, trong một cuộc tọa đàm được tổ chức bởi Trung tâm Văn học Ngôn ngữ Quốc tế Bắc Kinh (Trung tâm văn chương quốc tế thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Mạc Ngôn - người giành giải Nobel Văn học năm trước và nhà thơ gốc Syria, Adonis –  ứng cử viên thường trực của giải Nobel, cùng với một số nhà văn Trung Quốc khác, đã nói chuyện xoay quanh những chủ đề về bản sắc văn hóa, ý thức hướng nội và sứ mệnh của nhà văn.
    Adonis và Mạc Ngôn, hai tác giả có công chúng quốc tế, đều đồng ý rằng: “Một nhân tố giúp cho tác phẩm của họ đến với công chúng quốc tế dễ dàng hơn, thuận lợi hơn nhưng cũng có khi gây cản trở, gây khó khăn trong việc tiếp cận công chúng quốc tế của họ là dịch thuật.”

    Trong suốt cuộc nói chuyện, Mạc Ngôn đã bày tỏ sự khâm phục của mình với Adonis, người thành thạo cả tiếng Ả Rập và tiếng Pháp nên có thể trực tiếp tham gia vào hoạt động dịch thuật.

    Mạc Ngôn cũng thừa nhận rằng, đối với nhiều tác giả Trung Quốc, chính khả năng xuất bản tác phẩm ở nước ngoài ngày càng lớn khiến cho họ không còn giữ được lối viết riêng của mình nữa. Ông nói, các nhà văn, một cách vô thức, đang có xu hướng ít dùng những phương ngữ vùng miền, tránh việc biểu hiện những đặc trưng văn hóa độc đáo của dân tộc mình, và thậm chí viết ra những câu văn càng dễ hiểu, càng trơn tru càng tốt, chỉ để khiến tác phẩm của họ dễ dàng dịch sang những ngôn ngữ khác hơn.
    “Từ góc độ của văn chương nghệ thuật”, ông nói, “đó chắc chắn là một sự mất mát lớn. Quan điểm của tôi là, khi đang sáng tác, hãy quên đi sự tồn tại của các dịch giả. Đừng quan tâm đến việc khi dịch tác phẩm bạn viết họ có vui vẻ thoải mái hay không. Một dịch giả thực sự có tài thì chẳng bao giờ sợ sệt những khó khăn trở ngại như vậy cả.”
    Song đồng thời ông nói thêm: “Cũng thật không phải khi người ta cứ khăng khăng đòi hỏi người dịch tuyệt đối trung thành với nguyên tác của nhà văn, bởi vì bản thân việc tìm kiếm một “đối tác ngôn ngữ” tự nó đã là một hành vi sáng tạo, đầy trí tưởng tượng. Tôi thường có quan điểm khá cởi mở về dịch giả. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cho phép họ có những đẽo gọt, biến đổi thích đáng với điều kiện chúng không làm biến dạng chỉnh thể tác phẩm.”
    Về phần mình, Adonis tán thành ý kiến của Mạc Ngôn, trong khi xác nhận rằng việc dịch thơ còn gặp những khó khăn còn lớn hơn rất nhiều mang tính cố hữu.
    Ông nói với các cử tọa, thơ không chỉ là vấn đề ngôn ngữ được cấu trúc như thế nào; quan trọng hơn, nó còn là vấn đề xúc cảm và tư tưởng được cấu trúc như thế nào nữa. Và vì vậy, “xét theo mối quan hệ giữa các khái niệm, ngôn từ và đối tượng phản ánh của ngôn từ, có thể thấy rõ, không ngôn ngữ nào bình đẳng với nhau cả.”
    “Do đó”, ông nói, “người dịch phải mạnh dạn phá vỡ quan hệ giữa ngôn từ và đối tượng phản ánh của nó trong nguyên tác, đồng thời tự mình tạo lập mối quan hệ và cấu trúc tương tự, có thể thích ứng được với tiếng mẹ đẻ của dịch giả.
    Nhưng dù việc này là hết sức khó khăn, Adonis vẫn tin rằng, chính thông qua việc dịch thơ ca và văn chương, chúng ta có thể khám phá đời sống tinh thần của “kẻ khác” ở một cấp độ sâu sắc hơn, và tầm quan trọng của dịch thuật là nó sẽ đóng vai trò như “một nhân tố cơ bản của văn hóa toàn nhân loại trong tương lai”
    Ông bổ sung thêm, “tầm quan trọng này còn nằm ở ngôn từ mà dịch giả sử dụng trong khi dịch, đặc biệt là khi dịch thơ. Nó có thể làm giàu cho chính tiếng mẹ đẻ của dịch giả. Đến một mức độ nào đó, nó có thể thay đổi cấu trúc của chính thứ tiếng mẹ đẻ này


    Nguyễn Đức Lân dịch


    Nguồn: Dennis Abrams, “Is Poetry More Difficult to Translate Than Prose?”, http://publishingperspectives.com/2013/09/is-poetry-more-difficult-to-translate-than-prose/ (truy cập ngày 21-9-2013)




  2. 0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

Cùng đọc, nghe, xem và nghĩ

Cùng đọc, nghe, xem và nghĩ